Chuyến du hành kỳ lạ của Ngài Daldry
Phan_23
Tôi đã hỏi cắt ngang lời ông, tại sao ông lại ám chỉ rằng mẹ tôi lại có số phận khác với bố tôi, trong khi chính mắt tôi đã nhìn thấy hai người tan biến dưới trận bom?
Ông nhìn tôi vẻ hối tiếc rồi nói.
“Cháu biết không, bà vú nuôi của cháu vẫn sống khá lâu trên những ngọn đồi ở Üsküdar, thỉnh thoảng bác vẫn gặp bà ấy đi chợ, nhưng gần đây thì không thấy bà ấy nữa. Có thể bà ấy mất rồi.”
Tôi hỏi ông ấy xem ông ấy đang nói về bà vú nào.
“Cháu không nhớ bà Yilmaz à? Vậy mà bà ấy đã yêu cháu biết bào… Cháu chịu ơn bà ấy rất nhiều.”
Không thể tìm lại được khoảng ký ức về những năm sống ở Istanbul khiến tôi bực tức và tâm trạng khi ấy lại càng tồi tệ thêm kể từ lúc tôi được nghe câu chuyện không mấy rõ ràng của ông giáo già đã gọi tôi bằng một cái tên khác không phải tên tôi.
Ông dẫn chúng tôi đi thăm căn nhà và chỉ tôi căn phòng nơi tôi từng học. Giờ nơi ấy đã biến thành phòng đọc sách nhỏ. Ông muốn biết hiện giờ tôi làm gì, đã lập gia đình và sinh con chưa? Tôi kể với ông nghe về nghề nghiệp của mình và gần như không hề ngạc nhiên trước việc tôi chọn hướng đi này, ông nói thêm:
“Đa số những đứa trẻ khác khi được đưa cho thứ gì thì đều đưa lên mồm nếm thử; còn cháu thì cháu ngửi, đó là cách riêng hết sức đặc biệt của cháu để biết xem nên nhận hay nên từ chối thứ ấy.”
Rồi ông dẫn chúng tôi ra tận hàng rào đầu con ngõ cụt, khi đi ngang qua chỗ cây đoạn lớn đổ bóng xuống nửa khoảng sân tôi lại nhận thấy những mùi hương ấy và tôi hiểu rõ rằng đây không phải lần đầu mình tới nơi này.
Can bảo chắc hẳn trước kia tôi hay lui tới trường này, mà người đàn ông đứng tuổi kia thì không còn minh mẫn nữa, ông ấy đã nhầm tôi với đứa trẻ khác rồi lẫn lộn kỷ niệm với nhau giống như tôi vẫn pha trộn các mùi hương với nhau. Anh ấy nói rằng sau khi có một số chuyện xảy đến với tôi thì những kỷ niệm khác rồi cũng sẽ sống lại, rằng chỉ cần kiên nhẫn và tin vào số phận. Nếu như dinh thự ấy không bốc cháy, chúng tôi hẳn sẽ không bao giờ đi qua hàng rào của ngôi trường cũ ấy. Dù tôi biết anh ấy còn có ý khác ngoài chuyện muốn an ủi tôi, nhưng Can hoàn toàn không sai.
Biết bao câu hỏi không lời giải đáp cứ luẩn quẩn trong tâm trí tôi, anh Daldry ạ. Tại sao ông giáo ấy lại gọi tôi là Anouche, trò tàn bạo ông ấy nhắc đến là thế nào? Bố mẹ tôi vẫn ở bên nhau cho tới tận lúc chế vậy tại sao toi lại nghe nói điều ngược lại? Ông ấy có vẻ tin chắc vào điều mình vừa nói và rất buồn vì tôi không nhớ gì nữa.
Xin anh thứ lỗi vì đã viết cho anh những điều vô nghĩa này, vậy nhưng hôm nay tôi đã tận tai nghe thấy những điều ấy.
Ngày mai, tôi sẽ quay lại xưởng ở Cihangir; dù thế nào thì tôi cũng biết được điều cốt yếu. Tôi đã sống ở đây hai năm và vì một lý do nào đó tôi không rõ, bố mẹ đã gửi tôi đến tận ngôi trường ở bên kia eo Bosphore, trong một con ngõ cụt hẻo lánh tại Üsküdar, có lẽ là cùng với bà vú nuôi tên Yilmaz.
Tôi hy vọng là về phần mình anh vẫn khỏe, việc vẽ bức tranh vẫn tiến triển và niềm hứng khởi của anh vẫn tăng lên trước giá vẽ. Mách với anh là căn nhà tôi ở có ba tầng, tường nhà màu hồng nhạt còn cửa sổ thì màu trắng.
Ôm hôn anh.
Alice
TB: Xin lỗi anh vì tôi đã nhầm tên, tôi thật đãng trí. Anton là người bạn cũ mà tôi vẫn thư từ. Nhân nói về bạn bè, anh có thích bộ phim đã cùng đi xem với Carol không?
Alice thân mến,
(Mặc dù Anouche là một cái tên rất đẹp.)
Quả thực tôi nghĩ ông giáo già ấy đã nhầm cô với một bé gái khác thường lui tới ngôi trường ấy. Cô hẳn không nên day dứt bởi những câu chuyện nảy ra trong trí nhớ của một người đàn ông không minh mẫn.
Tin tốt là cô đã tìm được lại ngôi trường từng theo học suốt hai năm tuổi thơ ở Istanbul. Vậy là cô đã có bằng chứng chứng tỏ bố mẹ cô ngay trong thời kỳ khó khăn cũng không lơ là chuyện học hành của cô. Cô còn muốn kiếm tìm gì hơn nữa?
Ngẫm về những câu hỏi không lời đáp của cô, tôi đã tìm ra cho chúng một logic không thể chối cãi được. Trong thời chiến và với hoàn cảnh của họ (tôi cần phải nhắc cô rằng những điều đặc biệt họ làm cho người dân ở Beyoğlu không phải là nguy hiểm), rất có thể bố mẹ cô muốn gửi cô đến một khu khác hơn. Rồi bởi vì hai người đều làm ở bệnh viện nên cũng có thể họ đã thuê một vú em. Đó là lý do tại sao ông Zemirli không nhớ gì về cô. Khi ông ấy tới lấy thuốc thì cô đang ở lớp hoặc được giao cho bà Yilmaz kia. Bí ẩn đã được khám phá và cô có thể bình tâm quay về với công việc mà tôi hy vọng là đang tiến triển nhanh chóng.
Về phần tôi, bức tranh cũng đang dần hiện ra, không nhanh như tôi mong muốn nhưng tôi nghĩ là mình xoay sở khá tốt. Tóm lại là mỗi tối khi rời căn hộ của cô tôi đều tự nhủ như vậy, rồi lại nghĩ hoàn toàn ngược lại khi trở lại vào ngày hôm sau. Nào có thể mong gì hơn, đó là cuộc đời nghiệt ngã của một họa sĩ ảo, ảo tưởng rồi lại vỡ mộng, ta tưởng đã làm chủ được bản thể của mình nhưng chính những cây cọ tệ hại kia mới thống lĩnh ta, mà chúng chỉ cần dùng đầu để làm việc ấy. Dù cho không phải chỉ mình chúng phải dùng đầu…
Và rồi, bởi vì qua thư tôi nhận thấy cô càng lúc càng bớt nhớ Luân Đôn hơn trong khi tôi lại thường xuyên nhớ đến thứ rượu raki tuyệt vời đã uống ở Istanbul cùng với cô, một vài tối tôi bắt đầu mơ tưởng đến bữa tối trong nhà hàng Mama Can; tôi ước một ngày nào đấy có thể tới thăm cô tại đó, dù biết rằng đó là điều không thể vì thời gian này tôi phải làm việc.
Người bạn tận tụy của cô,
Daldry
TB: Cô đã quay về đi dã ngoại trên đảo Các Hoàng tử chưa, nó có xứng với tên gọi ấy không, cô có gặp chàng hoàng tử nào ở đó không?
Daldry thân mến,
Anh hẳn sẽ trách cứ tôi vì thư này đến muộn nhưng đừng giận tôi nhé, tôi đã làm việc không nghỉ suốt ba tuần vừa rồi.
Tôi đã có nhiều tiến bộ và không chỉ trong môn tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Với người thợ ở Cihangir, chúng tôi đã tiến đến được điều gì đó xác thực hơn. Lần đầu tiên chúng tôi có được một sự kết tuyệt vời. Mùa xuân cũng đã giúp sức rất nhiều. Daldry thân mến của tôi ơi, giá như anh biết được Istanbul đã thay đổi thể nào kể từ khi những ngày đẹp trời quay lại. Cuối tuần vừa rồi Can dẫn tôi đi thăm thú vùng nông thôn ngoại vi thành phố và tôi tìm lại được ở đó những mùi hương lạ thường. Xung quanh thành phố giờ phủ toàn hoa hồng, phải có đến cả trăm loại khác nhau. Đào và mơ đều đang giữa mùa hoa nở, những cây tử kinh thì nhuộm tím hai bên bờ Bosphore.
Can bảo với tôi rằng chẳng mấy nữa sẽ tới lượt hoa đậu kim vàng rực rỡ, hoa mỏ hạc, hoa giấy, tú cầu cùng nhiều loại hoa khác. Tôi đã khám phá ra thiên đường trên mặt đất dành cho thợ làm nước hoa và tôi chính là người thợ may mắn nhất được có mặt ở đó. Anh có hỏi tôi về đảo Các Hoàng tử, hòn đảo ấy thật rạng rỡ với thảm thực vật phong phú còn ngọn đồi Üsküdar nơi tôi sống thì không chỉ có thế. Sau khi xong việc ở nhà hàng, tôi thường cùng Can đi nhấm nháp chút gì đó tại những quá cà phê nhỏ ẩn mình trong những khu vườn nằm kín đáo giữa Istanbul.
Chỉ một tháng nữa thôi trời sẽ ấm dần lên và chúng tôi có thể ra biển bơi. Anh thấy đấy, ở đây tôi hạnh phúc đến mức đã gần như mất đi tính kiên nhẫn. Mùa xuân mới qua chưa được một nửa mà tôi thì đã rình chờ hạ tới.
Daldry thân mến, tôi không biết phải trả ơn anh thế nào vì chính nhờ có anh mà tôi mới biết đến một cuộc sống khiến mình say sưa đến vậy. Tôi yêu những giây phút ngồi làm việc bên người thợ nước hoa ở Cihangir, tôi yêu công việc của mình tại nhà hàng Mama Can, bà trìu mến với tôi đến độ như đã trở thành người thân trong nhà, còn bầu không khí dịu ngọt của những đêm Istanbul lúc tôi trở về nhà sau giờ làm việc mới tuyệt vời làm sao.
Tôi chỉ ước sao anh có thể tới thăm tôi, dù chỉ là một tuần, để có thể sẻ chia với anh những điều tuyệt diệu tôi khám phá ra.
Giờ đã muộn rồi, cuối cùng thì thành phố cũng chìm vào giấc ngủ, tôi cũng phải làm thế đây.
Ôm hôn anh và hứa sẽ viết cho anh ngay khi có thể.
Bạn của anh,
Alice
TB: Anh nhắn với Carol là tôi nhớ cô ấy, tôi sẽ rất mừng nếu nhận được tin của cô ấy.
13.
Trên đường tới nhà hàng, Alice tạt vào bưu điện gửi thư cho Daldry. Lúc bước vào nhà hàng, cô nghe tiếng cãi vã kịch liệt giữa Mama Can và cháu trai. Nhưng ngay khi cô lại gần gian bếp phụ, Mama Can liền nín bặt và mở to mắt nhìn Can để anh cũng làm vậy, tuy nhiên không có gì qua khỏi mắt Alice.
- Có chuyện gì vậy? cô vừa đeo tạp dề vừa hỏi.
- Không có gì, Can phản đối trong khi ánh mắt anh lại nói điều ngược lại.
- Một bà cô hẳn có quyền la mắng đứa cháu mình mà nó không được ngước mắt lên trời rồi vô lễ với bà ấy, Mama Can cao giọng đáp trả.
Can sập cửa lại sau lưng ra khỏi nhà hàng, thậm chí quên cả chào Alice.
- Chuyện có vẻ nghiêm trọng, Alice nói tiếp lúc lại gần bếp lò nơi chồng Mama Can đang hối hả làm việc.
Ông quay lại phía cô, trên tay cầm một con dao phết rồi đưa cô nếm món ragu.
- Ngon tuyệt, Alice nói.
Người đầu bếp lau tay vào tạp dề rồi lẳng lặng tiến vào phía nhà chái để hút thuốc. Ông đưa mắt bực tức nhìn bà vợ trước khi cũng sập mạnh cánh cửa lại.
- Bầu không khí thật tuyệt, Alice nói.
- Hai người ấy luôn về phe với nhau chống lại ta, Mama Can làu nhàu. Ngày ta chết, khách hàng sẽ theo ta tới nghĩa trang còn hơn là quay lại đây để hai gã cứng đầu ấy phục vụ.
- Nếu bác nói với cháu chuyện vừa xảy ra, biết đâu cháu lại chẳng về phe của bác, hai chống lại hai, như thế cuộc đấu sẽ cân bằng hơn.
- Thằng cháu ngốc nghếch của ta là giáo viên quá giỏi, còn cháu thì học ngôn ngữ của chúng ta quá nhanh đấy. Đúng là người nào việc nấy thật. Vậy nên thay vì đứng cắm rễ ở đây, cháu hãy vào phòng ăn đi, cháu có thấy khách hàng nào trong nhà bếp này không? Dĩ nhiên là không rồi, nào đi thôi, họ đang đợi được phục vụ, và đừng có cả gan mà sập cửa nữa đấy!
Alice không để điều ấy lặp lại, cô đặt chồng đĩa mà người phụ bếp vừa lau lên kệ đầu tiên nhìn thấy rồi cắm cuốn sổ trên tay trở ra phòng ăn đã bắt đầu đông khách .
Cửa bếp vừa khép lại người ta đã nghe tiếng Mama Can hét lên đòi ông chồng dập thuốc quay trở lại chỗ bếp lò ngay.
Buổi tối tiếp diễn mà không có thêm vụ va cham nào khác nhưng mỗi lần đi qua bếp, Alice lại để ý thấy Mama Can và chồng không nói với nhau câu nào.
Tối thứ Hai Alice không bao giờ phải làm việc muộn, khoảng mười một giờ là những thực khách cuối cùng đã bắt đầu rời nhà hàng. Cô kết thúc việc dọn dẹp phòng ăn, cởi tạp dề, chào ông chồng bếp trưởng đang cáu bẳn qua loa, chào người phụ bếp và cuối cùng là chào đang đứng nhìn cô rời đi với một vẻ lạ lùng.
Can ngồi đợi cô bên ngoài trên bệ tường bao.
- Anh đã đi đâu thế? Anh lủi đi nhanh như một tên trộm. Tóm lại thì anh đã làm gì mà khiến bác ấy thành ra như vậy? Vì những trò ngu ngốc của anh, tất cả chúng tôi đã có một buổi tối tệ hại, bác ấy vô cùng bực bội.
- Cô tôi cố chấp kinh khủng, chúng tôi đã cãi nhau, có thế thôi, ngày mai mọi việc sẽ khá hơn.
- Thế tôi có thể biết tại sao hai người lại cãi nhau không? Nói cho cùng, chính tôi mới là người phải gánh hậu quả cơ mà.
- Nếu tôi nó với cô, cô sẽ còn giận dữ hơn nữa và công việc ngày mai sẽ còn tồi tệ hơn cả tối nay.
- Tại sao? Alice hỏi. Chuyện đó liên quan đến tôi à?
- Tôi không thể nói gì thêm. Thôi, ba hoa vậy đủ rồi, tôi đưa cô về, cũng muộn rồi.
- Anh biết đấy Can, tôi lớn rồi nên không cần anh tối nào cũng phải hộ tống tôi về đến tận nhà. Vài tháng qua tôi đã có đủ thời gian để ghi nhớ đường đi. Căn nhà tôi ở lúc nào cũng chỉ nằm ở cuối phố thôi mà.
- Cô giễu tôi như thế không hay lắm đâu, tôi được trả công để chăm lo cho cô, tôi chỉ đang làm công việc của mình, giống như cô vẫn làm ở nhà hàng thôi.
- Anh được trả công là thế nào?
- Ngài Daldry vẫn tiếp tục gửi ngân phiếu cho tôi hằng tuần.
Alice nhìn Can một lúc lâu rồi bỏ đi không nói một lời. Anh bắt kịp cô.
- Tôi làm thế còn là vì chỗ bạn bè nữa.
- Đừng nói với tôi chuyện bạn bè ở đây vì anh đã được trả công, cô vừa nói vừa rảo bước.
- Hai chuyện ấy không phải là không thể cùng tồn tại, vả lại phố xá về đêm không an toàn như cô tưởng đâu, Istanbul là một thành phố lớn.
- Nhưng Uskudar lại là chốn mà tất cả mọi người đều biết nhau, anh đã nhắc đi nhắc lại với tôi cả trăm lần như thế. Giờ thì để tôi được yên, tôi biết đường về rồi.
- Được thôi, Can thở dài, tôi sẽ viết thư cho Ngài Daldry bảo rằng tôi không muốn nhận tiền của anh ta nữa, cô thấy như thế được chưa?
- Tôi sẽ thấy được hơn nếu anh nói với tôi sớm hơn rằng anh ấy vẫn tiếp tục trả công cho anh để anh chăm lo cho tôi. Tuy vậy trước đây tôi cũng đã viết thư bảo anh ấy rằng tôi không cần sự giúp đỡ của anh ấy nữa, nhưng tôi thấy là một lần nữa anh ấy lại khăng khăng làm theo ý mình và việc ấy khiến tôi bực mình.
- Sao việc một ai đó giúp cô lại khiến cô bực mình? Thật vô lý.
- Bởi vì tôi không nhờ vả gì anh ấy, và tôi không cần sự giúp đỡ của bất cứ ai.
- Như thế lại càng vô lý, chúng ta ai mà chẳng cần người nào đó giúp đỡ trong đời, không ai có thể làm được những điều lớn lao một mình.
- Vậy mà tôi thì có đó.
- Vậy mà cô thì cũng không ngoại lệ! Liệu cô có tạo ra được loại nước hoa của mình nếu không có người thợ ở Cihangir giúp sức? Liệu cô có tìm ra được căn xưởng của ông ấy nếu tôi không dẫn cô tới đó? Liệu cô có gặp được ngài tổng lãnh sỬ gặp được ông Zemirli hay ông giáo già kia không?
- Đừng nói quá lên thế, anh không liên quan gì đến chuyện ông giáo già kia cả.
- Thế ai đã quyết định đi vào con hẻm trước cửa nhà ông ấy? Ai?
Alice dừng lại đứng đối diện với Can.
- Anh thật là có ác ý không tưởng tượng được. Đồng ý, không có anh, hẳn tôi đã không gặp được ngài tổng lãnh sự lẫn ông Zemirli, tôi cũng không được làm việc tại nhà hàng của cô anh, tôi cũng không sống ở Uskudar và rất có thể đã rời Istanbul.Tôi nợ anh tất cả những việc đó, anh thỏa mãn chưa?
- Và cô cũng sẽ không đi qua con ngõ cụt dẫn vào ngôi trường kia!
- Tôi đã xin lỗi anh rồi, chúng ta sẽ không mất cả buổi tối vì mấy chuyện này chứ.
- Vậy mà tôi lại không nhận ra cô đã nói xin lỗi vào lúc nào. Mà cô cũng sẽ chẳng gặp được ai, cũng chẳng có được việc làm ở chỗ cô tôi, chẳng thuê được căn phòng của cô ấy nếu Ngài Daldry không thuê tôi. Cô có thể kéo dài danh sách đối tượng được nhận lời xin lỗi của mình và cảm ơn cả anh ta nữa, ít nhất là trong tâm tưởng. Tôi chắc là chúng sẽ tới được với anh ta bằng cách này hay cách khác.
- Tôi vẫn làm thế trong mỗi lá thư tôi viết cho anh ấy, thưa “ngài thích rao giảng đạo đức”, nhưng biết đâu anh nói thế với tôi chỉ để trong thư sau tôi không cấm anh ấy gửi ngân phiếu cho anh.
- Dĩ nhiên rồi, sau tất cả những gì tôi làm cho cô, cô lại muốn để tôi bị mất việc, công việc liên quan đến chính bản thân cô.
- Tôi đã nói mà, anh thật là có ác ý không tưởng tượng được.
- Còn cô, cứng đầu chẳng kém gì bà cô tôi.
- Thôi được rồi Can, tôi đã cãi nhau đủ cho cả tối, thậm chí cả tháng rồi.
- Vậy thì chúng ta cùng đi uống một tách trà và làm hòa nhé.
Alice đi theo anh ta tới một quán cà phê vẫn còn đông khách ra vào nằm sâu trong một con ngõ cụt.
Can gọi cho họ hai ly raki, Alice thích uống trà như anh ta đã hứa nhưng anh chàng hướng dẫn viên không nghe cô.
- Ngài Daldry không sợ phải uống đâu.
- Thế anh thấy say khướt thì cam đảm lắm à?
- Tôi không biết, tôi chưa bao giờ tự hỏi mình như vậy.
- Lẽ ra anh nên làm thế, say sưa là một màn buông xuôi ngớ ngẳn. Giờ thì sau khi đã nâng ly để chiều lòng anh, anh có thể nói tôi hay vụ cãi cọ với cô anh thì liên quan gì đến tôi chứ?
Can lưỡng lự không đáp nhưng việc Alice cứ nài nỉ cuối cùng đã làm tan biến những do dự cuối cùng trong anh.
- Đó là vì tất cả những người mà tôi đã dẫn cô tới găp. Ngài tổng lãnh sự, ông Zemirli, ông giáo già, dù cho riêng với người này, tôi đã thề với cô tôi là mình chẳng liên quan gì và rằng chúng ta chỉ tình cờ đi ngang qua nhà ông ta.
- Sao bác ấy lại trách cứ anh?
- Vì đã dính vào những việc chẳng liên quan đến mình.
- Sao bác ấy lại phản đối chuyện ấy?
- Bà ấy bảo rằng khi quá quan tâm đến cuộc sống của người khác, dù cho có nghĩ là làm điều tốt đi chăng nữa, thì rồi cuối cùng ta cũng chỉ mang bất hạnh đến cho họ mà thôi.
- Vậy thì ngay ngày mai tôi sẽ làm Mama Can yên lòng và giải thích với bác ấy rằng anh chỉ mang điều tốt lành đến cho tôi.
- Cô không thể nói vậy với bà cô tôi được, bà ấy sẽ biết là tôi đã phô với cô và sẽ điên tiết lên với tôi. Hơn nữa điều cô nói cũng không hoàn toàn chính xác. Nếu tôi không giới thiệu cô với ông Zemirli, cô sẽ không phải buồn khi ông ấy qua đời, nếu tôi không dẫn cô tới con hẻm ấy, cô sẽ không bao giờ cảm thấy bối rối trước người ông già kia. Tôi chưa bao giờ thấy cô như vậy.
- Anh phải quyết đoán lấy một lần đi chứ! Hoặc là tài dẫn đường của anh đã đưa chúng ta tới ngôi trường ấy, hoặc là do tình cờ và anh chẳng liên quan gì.
- Cứ cho là mỗi thứ một ít đi, do tình cờ mà dinh thự ấy bốc cháy, còn tôi thì đã dẫn cô đến con hẻm, sự tình cờ và tôi đã kết hợp với nhau trong phi vỠnày.
Alice đẩy chiếc ly đã cạn của mình ra, Can rót đầy ngay lập tức.
- Thứ này khiến tôi nhớ lại những buổi tối tuyệt vời bên Ngài Daldry.
- Anh có thể quên Daldry đi một lát được không?
- Không, tôi nghĩ là không, Can đáp sau khi đã suy nghĩ.
- Sao lại xảy ra cuộc cãi vã ấy?
- Ở trong bếp.
- Tôi không hỏi anh nó bắt đầu từ đâu, mà là tại sao cơ?
- À chuyện ấy thì tôi không thể tiết lộ được, Mama Can đã bắt tôi phải hứa.
- Vậy thì tôi giải phóng cho anh khỏi lời hứa ấy. Một phụ nữ có thể phá bỏ điều mà một người đàn ông đã hứa với người phụ nữ khác với điều kiện hai người phụ nữ ấy rất hiểu nhau và chuyện ấy không gây tổn hại gì cho cả người này lẫn người kia. Anh không biết điều ấy à?
- Cô mới bịa ra phải không?
- Mới đây thôi.
- Tôi biết mà.
- Can, cho tôi biết sao hai người lại nói về tôi.
- Chuyện ấy thì có ảnh hưởng gỉ đến cô chứ?
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian